Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Khắc phục tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ hợp đồng

Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một chính sách đúng đắn của Nhà nước ta, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là ở những địa phương kinh tế có nhiều khó khăn. Trong những năm qua, chúng ta đã đưa được hàng trăm nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có một số nước Ðông Âu, Trung Ðông, Ðông - Bắc Á và Ðông - Nam Á... Thu nhập của những lao động này không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình họ, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là ở những địa phương có đông người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khắc phục tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ hợp đồng


Có những lao động khi hết hạn hợp đồng về nước, với vốn liếng, kỹ thuật và kinh nghiệm tích lũy được ở nước ngoài đã thành lập doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp ở một số nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a đã trở nên đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số hơn 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại nước này, có đến 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia có lao động làm việc tại Hàn Quốc (Trung Quốc 5.100 người, Phi-li-pin 4.958 người, In-đô-nê-xi-a 3.728 người, Mông Cổ 3.515 người, Thái-lan 3.216 người). Nghiêm trọng hơn, tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Ở Ðài Loan, tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp chiếm tỷ lệ khá cao.

Tình trạng nói trên đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam và quan hệ hợp tác lao động giữa nước ta và các nước đối tác. Trên thực tế, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam; còn Ðài Loan, từ năm 2004 đến nay, đã tạm dừng tiếp nhận lao động thuyền viên gần bờ và giúp việc gia đình Việt Nam, đồng thời dừng cấp giấy phép cho các doanh nghiệp mới đưa lao động sang Ðài Loan làm việc.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật và các cam kết theo hợp đồng của người lao động kém, hay yêu cầu đòi chuyển chỗ làm việc với các lý do không chính đáng. Ở Hàn Quốc, số này chiếm tỷ lệ 32%, đứng đầu so với các nước cử lao động khác. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là chi phí của người lao động đi làm việc ở một số nước quá cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam và công ty môi giới buông lỏng quản lý (trong số 67 doanh nghiệp Việt Nam còn giấy phép hoạt động ở Ðài Loan, chỉ có khoảng bảy doanh nghiệp có cán bộ đại diện quản lý lao động); công tác tuyển chọn, đào tạo của doanh nghiệp dịch vụ không được tổ chức thực hiện chặt chẽ,...

Ðể khắc phục tình trạng nói trên, thiết nghĩ cần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, trước hết là các quy định đi làm việc ở nước ngoài, các quyền lợi được hưởng và trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động. Cần thay đổi cách thức tuyển chọn lao động, không để các doanh nghiệp Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân để tuyển chọn lao động. Phối hợp các cơ quan hữu quan nước tiếp nhận lao động kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng của chủ sử dụng lao động. Tăng cường công tác kiểm tra việc thu phí của các doanh nghiệp để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp thu phí quá cao đối với người lao động. Ðồng thời, tuyên truyền nhắc nhở lao động khi kết thúc hợp đồng phải chấp hành quy định về nước.


Nguồn: nhandan.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét